{{today.type}} {{today.low}}độ:-{{today.high}}độ: 1 Đồng Tiền Việt(VND) = {{exchange.vtc}}Nhân Dân Tệ(CNY)

Nội dung bài viết 文章内容

Thương mại rau quả Việt - Trung không ngừng mở rộng về chất và lượng

Ngày đăng:2022-12-01 10:52:54   

Là những nước láng giềng có đường biên giới dài cả trên bộ và trên biển, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ rất lâu, là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, cùng dựa vào nhau để phát triển. Thời gian gần đây, giao lưu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, không ngừng mở rộng về cả chất và lượng, là điểm sáng trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp cùng nhiều biến động trong khu vực cũng như trên thế giới.

 

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập khẩu cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo và gần đây nhất là chuối tươi. Ngược lại, phía Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cũng tăng nhập khẩu rau quả từ Trung quốc lên đến 77% so với cùng kỳ năm 2021, nếu tiếp tục với tốc độ này kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc có thể tăng tới 100% vào cuối tháng 12/2022.

 

“Đây là những động thái tích cực cho thấy thương mại rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng cả về lượng và chất, bất chấp những khó khăn và tồn tại đang hiện diện trong mối quan hệ giữa hai bên,” ông Nguyễn Thanh Bình nói.

 

Trong hơn 20 năm qua, xuất nhập khẩu rau củ quả giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng lên. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu rau củ quả từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng bình quân khoảng 29,8%/năm, kim ngạch nhập khẩu rau củ quả từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng bình quân 28%/năm.

 

Vị chuyên gia nhận định, với tư cách là một nước láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam có rất nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác trong quan hệ giao lưu thương mại. Doanh nhân hai nước có thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, cũng như không mất nhiều thời gian để trực tiếp giải quyết những phát sinh trong quan hệ buôn bán giữa 2 bên. Việt Nam và Trung Quốc có cả biên giới trên bộ và trên biển nên việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh hơn, chi phí thấp hơn.

 

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam và Trung Quốc có những tương đồng về văn hóa, nếp sống và tiêu dùng. Việc hiểu rõ nhau về phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng giúp cho quan hệ thương mại rau quả giữa hai bên thuận lợi hơn.

 

“Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam trong quá khứ và cả trong tương lai,” ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

 

Do một vài yếu tố khách quan, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc từ 2019 đến nay giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu rau quả trước đây phần lớn theo hình thức tiểu ngạch, nay hình thức này đã giảm mạnh trong khi xuất khẩu chính ngạch tăng trưởng không tương xứng do sự chuyển đổi đòi hỏi có thời gian.