{{today.type}} {{today.low}}độ:-{{today.high}}độ: 1 Đồng Tiền Việt(VND) = {{exchange.vtc}}Nhân Dân Tệ(CNY)

Nội dung bài viết 文章内容

我在越南

Tôi ở Việt Nam

Ngày đăng:2021-07-28 15:48:02   

   Cho đến nay, mỗi khi tình cờ thấy những quán cà phê góc phố, tôi vẫn luôn bất giác nhớ về quãng thời gian du học ở Việt Nam. Đó là quãng thời gian đẹp đẽ được ngồi dưới ánh nắng chói chang và chìm đắm trong mùi hương cà phê.

   Ở Việt Nam, việc học không căng thẳng như ở trong nước, ngoài thời gian học tập, tôi còn được đi đến rất nhiều thành phố cùng với bạn bè, việc mà mọi người hay gọi là “xuyên Việt”. Nhưng trong những thành phố đó, tôi yêu nhất Đà Lạt, nơi đó vốn là khu nghỉ mát do người thực dân xây dựng. Cái lạnh và không khí trong lành đặc trưng của Đà Lạt luôn khiến người ta không thể cưỡng lại được, chạy xe từng vòng men theo con đường núi khúc khuỷu quanh co, một bên đường là cánh rừng xanh mơn mởn, trong rừng thi thoảng bay ra những làn khói trắng, mịt mù cả một góc rừng, đó là khói từ một gia đình ở khuất sâu trong đó; ở phía bên kia thi thoảng lại có dòng suối trong vắt chảy xuống từ khe núi hoặc một hồ nước xanh ngọc bích hiện ra trong tầm mắt. Đà Lạt có một hồ nước tên là hồ Tuyền Lâm, khi trời chập tối, bên bờ hồ có hai, ba người đang câu cá, trong đài quan sát hướng về giữa hồ có một, hai người đang dựng máy ảnh ống kính chụp xa, người trong quán cà phê nghiêng đầu chờ mặt trời lặn, nhóm chúng tôi ngồi hóng gió bên bờ hồ, nhìn một chàng trai cầm một sào tre dài chèo chiếc thuyền nhỏ trên mặt hồ, dáng đứng thẳng, rắn rỏi, động tác đều đặn và có lực làm cho chiếc thuyền nhỏ đi nhanh mà cân bằng, tạo nên những gợn sóng trên mặt hồ.  

   Kỳ học thứ hai khi du học ở Việt Nam, tôi nhận được một e-mail từ giáo viên môn dịch nói, e-mail nói rằng vì số tiết học quá nhiều khiến cô không thể dành thời gian cho việc khác, muốn tôi dạy giúp vài buổi gia sư tiếng Trung. Học sinh của tôi là một ông chủ của Công ty thương mại dược liệu Trung - Việt, anh ấy đã ngoài 40 tuổi và có hai đứa con đáng yêu. Anh không giống như những người đàn ông trung niên trong ấn tượng của tôi, anh thường “túm” lấy tôi để hỏi những câu hỏi liên quan đến tiếng Trung, mỗi lần lên lớp đều rất chăm chỉ ghi chép, hai chúng tôi cũng thường trò chuyện và cười đùa những lúc ngoài giờ học. Và chủ đề chúng tôi trò chuyện thường được xoay quanh những vấn đề như “Việt Nam có những nơi nào thú vị”, “Tại sao em vẫn chưa kết hôn?”, “Em không kết hôn thì dự định sẽ làm gì?”… ngôn ngữ giao tiếp thì dùng đồng thời cả tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Anh, anh chỉnh sửa tiếng Việt cho tôi, còn tôi giúp anh chỉnh sửa tiếng Trung, chúng tôi cứ như vậy trêu đùa lẫn nhau. Vì thế quan hệ của hai chúng tôi cũng không giống như thầy và trò mà giống như những người bạn tâm giao có tuổi đời chênh lệch và gặp nhau hơi muộn.

   Trước khi chuẩn bị thi cuối kỳ, tôi đã có một chuyến đi đến Hội An. Đây là nơi nổi tiếng với phố cổ, cách Đà Nẵng chỉ 1 giờ lái xe. Khi đó Hội An đang trong mùa ít khách du lịch, nhiều cửa hàng đóng cửa, nhất là vào ban ngày, trong phố cổ chỉ có lác đác vài người qua lại. Những kiến trúc trong phố cổ đều là những ngôi nhà nhỏ 2 tầng được xây lên từ những bức tường màu vàng với mái hiên màu nâu, tôi đạp xe dạo chơi vòng quanh mà không có đích đến. Không tốn nhiều thời gian để thăm thú hết phố cổ, vậy nên tôi đã đạp xe ra bãi biển cách đó 4 km giữa cái nắng ban trưa. Trên đường về, mây đen che phủ thành phố, gió mạnh nổi lên bất chợt đã cuốn theo cát bụi, tôi có chút hưng phấn đạp xe đuổi theo mây đen, nhưng đợi mãi vẫn không thấy hạt mưa nào rơi xuống, cuối cùng đành phải hậm hực trở về homestay. Đến ban đêm, sức hấp dẫn của thành phố này mới từ từ hiện ra, con sông chạy ngang qua phố cổ đã mang đến sức sống cho thành phố này. Khi bầu trời hoàng hôn phản chiếu xuống mặt sông cùng với những chiếc đèn lồng trên những chiếc thuyền gỗ trên sông, lúc này người cũng đã đông hơn, dòng người đông đúc chen chúc nhau, người lái đò cất lên những tiếng gọi lớn, chợ đêm cũng bắt đầu nhộn nhịp. Sáu người chúng tôi cũng thuê một chiếc thuyền, thuyền đi chậm rãi lắc lư, chờ khi màn đêm buông xuống, mỗi người chúng tôi đã thả một chiếc đèn hoa đăng xuống sông sau khi ước nguyện, giống như đã hoàn thành xong một nhiệm vụ.

   Tháng 6, những việc lớn nhỏ cứ dồn dập đến như những nốt nhạc trong hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi nốt nhạc đều kéo căng dây thần kinh của tôi, khiến tôi khó có thể thư thái được. Cuối tháng, cái cảm giác sắp đến ngày chuẩn bị về nước dần rõ ràng hơn và tôi cũng bắt đầu nói những lời tạm biệt. Tạm biệt thầy cô, tạm biệt trường lớp, tạm biệt những quán cà phê thường lui tới, tạm biệt ông chủ tôi quen khi làm gia sư, tạm biệt những con đường đã đi qua và những món ăn đã từng thưởng thức…

   Việt Nam, nếu đã gặp nhau một cách nhẹ nhàng thì hãy nói lời chào tạm biệt dứt khoát nhé.

                                                          Bài / Ảnh    Trương Lễ Tuyền

                                                          Nguồn : Tạp chí Hoa Sen