{{today.type}} {{today.low}}độ:-{{today.high}}độ: 1 Đồng Tiền Việt(VND) = {{exchange.vtc}}Nhân Dân Tệ(CNY)

Nội dung bài viết 文章内容

Chữ Hán - giúp giới trẻ Việt hiểu thêm văn hóa Việt Nam

Ngày đăng:2023-02-08 16:06:48   

Hiếm có một thứ văn tự nào trên thế giới đặc sắc như chữ Hán, vừa đóng vai trò là hệ thống ký hiệu ghi lại ngôn ngữ, lại có thể vượt qua thuộc tính thông thường của chữ viết để trở thành phương tiện chuyên chở văn hoá với nội hàm phong phú và sức cuốn hút nghệ thuật, có tầm ảnh hưởng rộng khắp, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình văn minh nhân loại, hơn thế nữa, chữ Hán lại giúp được giới trẻ các nước hiểu sâu hơn văn hóa nước mình.

 

Không chỉ các nhà nghiên cứu chuyên sâu mới cảm nhận được sự hấp dẫn của chữ Hàn, ngày nay, ngay cả giới trẻ các nước cũng đang bày tỏ niềm yêu thích nồng nàn với các giá trị thẩm mĩ cũng như tinh thần của loại văn tự cổ này. 

 

Phạm Thị Trà Mi, sinh viên năm nhất khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Trung Quốc, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia là một trường hợp như vậy. Em rất yêu tiếng Trung, đặc biệt là chữ Hán.

Phạm Thị Trà Mi - nữ sinh yêu thích chữ Hán và nghệ thuật thư pháp

 

Dù mới chính thức theo học chương trình đại học được nửa năm nay nhưng Mi đã bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung từ hồi học tiểu học thông qua các chương trình thực tế, nghe nhạc Trung và xem các bộ phim phim Trung Quốc.

 

Mới ban đầu, mục tiêu của nữ sinh gen Z là học tiếng Trung để “theo đuổi idol”, để xem phim không cần phụ đề nhưng qua một thời gian tìm hiểu, Trà Mi cảm thấy thực sự yêu thích chữ Hán. Chữ Hán có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với em.

 

“Em thường xem các clip viết chữ Hán của các anh chị và chính những clip đó đã nhen nhóm trong em một niềm yêu thích đối với thư pháp và chữ Hán,” nữ sinh chia sẻ với Đài chúng tôi, cho biết việc học thư pháp giúp em rèn luyện được tính kiên nhẫn đồng thời nâng cao lòng ham học hỏi rất nhiều.

Trà Mi cho biết, lúc mới bắt đầu luyện thư pháp bút cứng em cũng nhiều khi nản chí vì có những chữ luyện mãi mà không đẹp. Nhưng em không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục kiên trì luyện, dành nhiều thời gian hơn để quan sát chữ. Hiện nay chữ viết của em đã ở mức “tạm hài lòng”. Thử sức ở cuộc thi viết thư pháp do Hội sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Trung Quốc, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia tổ chức đầu năm nay, Trà Mi đã xuất sắc giành giải quán quân.

Tác phẩm của Trà Mi đạt giải quán quân cuộc thi viết thư pháp

 

 Theo nữ sinh, thư pháp là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và tiếp tục phát huy không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Việt Nam. Để viết được thư pháp chữ Hán thì cũng đòi hỏi ở người viết sự am hiểu về ý nghĩa cũng như kết cấu của chữ. Mi cho biết, nhờ theo học thư pháp chữ Hán và rèn luyện viết chữ đẹp mà em nhận được rất nhiều tình cảm quý mến của cộng đồng những người học tiếng Trung.

 

Trong năm tới, Trà Mi lên kế hoạch sẽ theo học thêm một khoá thư pháp bài bản và cố gắng hơn nữa để trau dồi vốn kiến thức về chữ Hán. Nữ sinh Đại học Ngoại ngữ luôn tranh thủ luyện viết trong thời gian rảnh, ngay cả khi viết từ mới vào vở ghi em cũng cố gắng viết cẩn thận, coi đó như một lần luyện chữ. Em rất chăm chỉ học tiếng Trung và mong muốn có cơ hội đến Trung Quốc du học, được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa của đất nước Trung Hoa.

 

“Dù học tiếng Trung khá khó, chương trình học ở đại học khá vất vả nhưng em vẫn rất thích và chưa bao giờ cảm thấy nản chí, càng học càng thấy thú vị,” Mi phấn khởi nói.

 

Cùng có hứng thú với chữ Hán giống như Trà Mi là bạn Hữu Minh, học sinh một trường Trung học phổ thông tại Hà Nội. Đầu năm mới Quý Mão, em cùng các bạn đến di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) du xuân và tham dự Hội chữ xuân đầu năm. Từ xa xưa, người Việt đã có tục lệ xin chữ đầu năm để cầu may mắn, cầu học hành tấn tới. Hội chữ xuân là hoạt động truyền thống được tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp Tết đến, xuân về.

 

Sinh ra trong gia đình có mẹ là giảng viên tiếng Trung nên Minh đã nuôi dưỡng niềm yêu thích với chữ Hán từ lâu. Em thường quan sát chữ Hán xuất hiện trong cuộc sống đời thường và suy ngẫm về ý nghĩa của chúng.

 

“Chữ Hán là một kiệt tác của văn minh nhân loại, mỗi đường nét, mỗi bộ chữ, mỗi hình dáng đều có ý nghĩa sâu xa của nó, chứa đựng học vấn uyên thâm,” chàng trai trẻ nói, cho biết em đặc biệt yêu thích thư pháp vì tính nghệ thuật và tác dụng tu dưỡng tâm hồn.

Hữu Minh xin chữ “Tâm” tại Hội chữ xuân Quý Mão 2023

 

“Khi viết chữ ta cần tĩnh tâm, cần có kiến thức về nội hàm và ý nghĩa của chữ viết. Để viết đẹp được thì cần kiên trì khổ luyện, không được bỏ cuộc cho đến khi đạt thành tựu. Đó là những đức tính quý báu mà ta có thể rèn luyện thông qua viết thư pháp,” Minh nói.

 

Minh không hề cảm thấy lạc lõng so với các bạn cùng trang lứa vì sở thích của mình. Trái lại, em cho rằng hiện nay rất nhiều bạn trẻ có hứng thú với chữ Hán nói chung, với thư pháp nói riêng. Thực tế quả đúng như vậy, trong những ngày diễn ra hoạt động Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lượng du khách trẻ tới tham dự rất đông.

 

“Em nghĩ đây là một sở thích bổ ích. Học chữ Hán và tiếng Trung chắc chắn sẽ có ích cho tương lai công việc của em sau này, xét trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới đang gia tăng, đồng thời quan hệ giao lưu Việt – Trung cũng đang ngày càng phát triển,” Minh tin tưởng nói.

Các bạn học sinh Việt Nam xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào thời nhà Thương dưới dạng Giáp Cốt Văn, đến nay hệ thống chữ Hán phát triển có trật tự và liên tục, chưa bao giờ ngừng nghỉ sự vận động và thay đổi bên trong. Trong lịch sử phát triển văn minh thế giới, chữ Hán đã vượt qua thuộc tính thông thường của một hệ thống ký hiệu văn tự để chuyên chở các giá trị văn hoá, tinh thần, có tầm ảnh hưởng rộng khắp. Ngày nay, trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy hàng loạt sáng kiến hợp tác với thế giới, chữ Hán đang dần dần trở thành chìa khóa giúp nhân dân các nước mở ra cánh cửa kho tàng văn hóa Trung Hoa, trở thành sứ giả thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nước ngoài.