{{today.type}} {{today.low}}độ:-{{today.high}}độ: 1 Đồng Tiền Việt(VND) = {{exchange.vtc}}Nhân Dân Tệ(CNY)

Nội dung bài viết 文章内容

Du lịch băng tuyết Trung Quốc: “Cơn sốt” lan tới Việt Nam

Ngày đăng:2024-02-18 09:14:29   

Khi mùa đông tại Trung Quốc đã sắp đi qua, điều người ta nhớ nhất về nó có lẽ không phải là cái lạnh kỷ lục trong nhiều thập kỷ, mà là cơn sốt du lịch băng tuyết nơi miền Đông Bắc. 

Hắc Long Giang – tỉnh cực Bắc của Trung Quốc với tài nguyên băng tuyết độc đáo đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất cả nước bất chấp thời tiết lạnh giá. Dạo chơi ở Công viên giải trí Thế giới băng tuyết, chiêm ngưỡng kiến trúc phong cách Nga của Cáp Nhĩ Tân, hay tắm nước nóng kiểu Đông Bắc... đã trở thành những trải nghiệm mà vô số người Trung Quốc khao khát thực hiện trong mùa đông năm nay.

Theo số liệu Sở Văn hoá – Du lịch Hắc Long Giang công bố ngày 25/1 vừa qua, trong mùa du lịch băng tuyết năm 2023, lượng khách du lịch và doanh thu toàn tỉnh tăng trưởng lần lượt 332,5% và 898,3%. Với nhiều hoạt động giải trí đặc sắc cùng sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân địa phương, thủ phủ Cáp Nhĩ Tân liên tục trở thành đề tài xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội. 

Cơn sốt du lịch băng tuyết Trung Quốc này cũng nhanh chóng lan tới các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên các nền tảng mạng xã hội tại quốc gia Đông Nam Á này, Cáp Nhĩ Tân là đề tài bàn luận phổ biến nhất trong các nhóm du lịch Trung Quốc trong thời gian từ cuối tháng 12 tới nay. Các tour và quảng cáo tour du lịch Cáp Nhĩ Tân liên tục xuất hiện. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch Cáp Nhĩ Tân ở Việt Nam cũng đang tăng cao. 

Chị Nguyễn Hồng Thu Trang (sinh năm 1991) là một đại lý tour du lịch tại Việt Nam với nhiều kinh nghiệm tổ chức tour quốc tế. Chị cho biết bản thân du lịch Trung Quốc luôn có sức hấp dẫn nhất định đối với du khách nước ngoài, trong đó có du khách Việt Nam. 

“Năm nay, du lịch Cáp Nhĩ Tân trở lại một cách thực sự rất ấn tượng và bùng nổ, tạo nên một cơn sốt. Cần phải nhắc lại là mùa đông năm ngoái đang là cao điểm nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc. Trào lưu du lịch Cáp Nhĩ Tân mùa đông này rất thu hút giới du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt với những người yêu thích du lịch Trung Quốc,” chị Trang đánh giá.

Nguyễn Hồng Thu Trang tận hưởng chuyến du lịch Cáp Nhĩ Tân, tháng 1/2024

 

Là một người đam mê du lịch Trung Quốc, bản thân chị Trang cũng đã có chuyến đi tới Cáp Nhĩ Tân từ ngày 8-15/1 vừa qua.

“Lễ hội băng đăng lớn nhất trong lịch sử và vẻ đẹp như cổ tích của ngôi làng Tuyết Hương chính là điểm nhấn để có thể thu hút và hấp dẫn khách du lịch đến với thủ phủ Hắc Long Giang. Việc đến một nơi siêu lạnh, được trải nghiệm các trò chơi thú vị tại một nơi nhiều băng tuyết, được ăn đồ ăn ngon, khám phá văn hoá vùng Đông Bắc, quê hương của tộc người Mãn Châu, nơi khởi sinh ra dòng dõi hoàng tộc Ái Tân Giác La nổi tiếng cũng là một trải nhiệm khiến du khách như mình càng háo hức được đến đây,” chị cho biết.

Trước chuyến đi, chị Trang có tìm hiểu và được một số người bạn dặn dò rằng người Đông Bắc “ăn to nói lớn”, sẽ phải chuẩn bị tinh thần nếu họ “quạu” hay nói to.

“Nhưng khi mình tới, mình cũng bất ngờ vì hầu hết người dân ở đây và những người làm dịch vụ đều rất dễ thương. Ai cũng niềm nở vui vẻ chào đón chúng mình mặc dù họ phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cường độ cao khi phục vụ hàng ngàn du khách mỗi ngày,” chị Trang hài lòng chia sẻ.

Nguyễn Anh Hào (25 tuổi) đến từ Việt Nam, là một nghiên cứu sinh Thạc sĩ ngành Báo chí và Truyền thông tại Đại học Sư phạm Hồ Nam (Trung Quốc). Đến Cáp Nhĩ Tân vào đầu tháng 1/2024, Anh Hào cảm thấy chuyến du lịch này vô cùng xứng đáng.

“Thời tiết tuy lạnh giá, nhưng trái tim mình vô cùng ấm áp vì sự nhiệt tình của người dân. Mình đến nhà nghỉ vào lúc 1 giờ 30 sáng, vô cùng đói và mệt sau chuyến bay dài 4 tiếng đồng hồ, không mua được đồ ăn vì quá muộn nên mình đã ngỏ ý mua mỳ tôm của cô chủ nhà. Cô chủ không những không lấy tiền còn tặng mình thêm cả trứng gà, trứng vịt muối, bánh mỳ gối để ăn, điều này đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho mình về con người Cáp Nhĩ Tân,” thanh niên Việt Nam kể lại. 

Nguyễn Anh Hào tại Cáp Nhĩ Tân, tháng 1/2024

 

Theo phân tích của truyền thông Trung Quốc, sự thành công của Cáp Nhĩ Tân hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà phần lớn đến từ sự chuẩn bị kỹ càng của địa phương. Ngay từ đầu năm 2023, chính quyền sở tại đã đề ra các "kế hoạch hành động 100 ngày" nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch, qua đó thu hút du khách đến nghỉ mát trong mùa hè và du lịch băng tuyết trong mùa đông. 

Từ trải nghiệm của mình, chị Nguyễn Hồng Thu Trang cho rằng chính quyền địa phương đã rất quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch địa phương một cách bài bản, nghiêm túc. 

“Quyết định đi du lịch ở một đất nước tỉ dân là mình cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc đông đúc, phải xếp hàng cho các dịch vụ, muốn chụp ảnh đẹp cũng khó tìm góc không dính người, ...tuy nhiên những điều này đều có thể được khắc phục bởi dịch vụ chuyên nghiệp hiện đại và sự chuẩn bị kỹ càng từ chính quyền địa phương,” chị nói.

Cùng quan điểm đó, Nguyễn Anh Hào cho rằng chính quyền Cáp Nhĩ Tân đã rất tâm huyết và cầu thị. “Du khách nói rằng nhiệt độ trong công viên chủ đề băng tuyết quá lạnh, họ ngay lập tức xây dựng các trạm sưởi. Chính mình cũng đã nhiều lần sưởi ấm trong những căn phòng này khi vui chơi ở đây…,” anh kể lại, thán phục những nỗ lực không ngừng của ngành du lịch địa phương.

Trong lần trở lại này, truyền thông mới với các nền tảng mạng xã hội được chính quyền Cáp Nhĩ Tân khai thác tối đa, trở thành động lực mạnh mẽ để quảng bá du lịch. Nhiều du khách cho biết, họ "bị thu hút bởi các thông tin trên mạng và nhất định phải đến để trải nghiệm". Bên cạnh đường dây nóng du lịch, truyền thông đại chúng cũng là phương tiện để chính quyền lắng nghe các ý kiến đóng góp, phê bình của khách tham quan. 

Là một nghiên cứu sinh ngành truyền thông, chàng trai Việt Nam cảm thấy mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ chiến lược quảng bá du lịch năm nay của chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân nói riêng, tỉnh Hắc Long Giang nói chung. 

“Hy vọng sau khi tốt nghiệp trở về nước làm việc có thể vận dụng những điều mình được học, được tai nghe mắt thấy, được tự mình trải nghiệm này, đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam,” Nguyễn Anh Hào bày tỏ. 

 

Phóng viên: Thanh Xuân