Ngày 15/4 vừa qua tại khuôn viên Trường Đại học Hà Nội (Việt Nam) đã diễn ra chương trình giao lưu trải nghiệm văn hóa “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” năm 2024, thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và nhân dân trên địa bàn thảnh phố.
Chương trình do Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội phối hợp với Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài (CLEC), Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Tập đoàn Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây và Ban chấp hành Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên Khoa tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Ẩm thực Trung Hoa, vẽ tranh thủy mặc nghệ thuật, cắt giấy Trung Hoa trang trí, áo dài Việt Nam và Hán phục cổ trang, viết chữ thư pháp, tết dây may mắn...
Các đại biểu, khách mời tham dự Lễ khai mạc chương trình giao lưu trải nghiệm văn hóa “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” tại Trường Đại học Hà Nội, ngày 15/4/2024
Một tiết mục văn nghệ của sinh viên Trường Đại học Hà Nội
Tiếng Trung Quốc được xác định là một trong sáu ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên Hợp Quốc từ những ngày đầu thành lập. Năm 2010, Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 20 tháng 4 hàng năm làm Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế. Từ đó tới nay, Liên Hợp Quốc và rất nhiều nơi trên thế giới hàng năm đều tổ chức các hoạt động chúc mừng Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế, tạo cầu nối giao lưu hữu hảo cho nhân dân các nước có ngôn ngữ khác nhau. Chủ đề của năm nay là “Tiếng Trung Quốc: Vun đắp cầu nối học hỏi văn minh lẫn nhau”.
Tại lễ khai mạc chương trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ: Cùng với sức ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, tiếng Trung đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong quá trình giao lưu giữa các quốc gia. “Cơn sốt tiếng Trung” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc học tốt tiếng Trung thì việc tìm hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc là điều cần thiết.
Qua các hoạt động của chương trình ngày hội trải nghiệm văn hóa Việt – Trung, nhà trường mong muốn tạo cơ hội cho các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam và quốc tế, những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có thể trải nghiệm văn hóa truyền thống của mỗi nước, tăng cường sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước.
“Các quốc gia trên thế giới đều có đặc sắc văn hoá của riêng mình, và các nền văn hoá ấy cũng có sự học hỏi, bao dung lẫn nhau, có như vậy văn minh nhân loại mới có thể không ngừng tiến bộ và phát triển,” TS. Nguyễn Thị Cúc Phương nhìn nhận.
Các bạn học sinh, sinh viên trải nghiệm viết chữ thư pháp
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu tại chương trình, Tham tán Giáo dục Trịnh Đại Vĩ cho biết, trong bối cảnh sự liên kết giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng được thắt chặt như hiện nay, các nền văn minh đã có sự giao lưu, học hỏi, tiếp nhận để cùng tồn tại, có tác dụng không thể thay thế trong quá trình thúc đẩy xã hội và tiến trình hiện đại hoá phát triển.
“Tổng Bí thư Tập Cận Bình vào tháng 3 năm ngoái đã đưa ra Sáng kiến Văn minh toàn cầu, đưa ra lời kêu gọi chân thành tới thế giới với mong muốn thúc đẩy giao lưu văn minh, làm cho văn minh nhân loại tiến bộ ngay trong quá trình tiếp nhận và học hỏi lẫn nhau,” ông Trịnh Đại Vĩ nói, khẳng định giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế là sự nghiệp vô cùng quan trọng, là cầu nối và nút thắt quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu học hỏi văn minh, tăng cường hiểu biết, vun đắp nhận thức chung, hợp tác cùng thắng lợi giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Bước vào thời đại mới, quan hệ Trung – Việt và giao lưu hợp tác trên mọi lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ. Hai Bên tích cực thực hiện Thoả thuận Hợp tác Giáo dục giữa hai nước, khuyến khích đưa du học sinh tới nước bạn học tập, tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các trường đại học của hai nước. Việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung – Việt mang ý nghĩa chiến lược cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn và vun đắp tương lai rộng mở hơn cho học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tiếng Trung Quốc.
Các bạn học sinh, sinh viên trải nghiệm nghệ thuật cắt giấy trang trí
Tại Việt Nam, tiếng Trung Quốc đang ngày càng chiếm một vị thế quan trọng trong hệ thống giáo dục. Hiện nay Việt Nam có hơn 50 trường đại học có khoa tiếng Trung Quốc hoặc chuyên ngành tiếng Trung Quốc, có hơn 20.000 sinh viên tại các trường đại học đang học tiếng Trung Quốc. Hiện nay Việt Nam có 13 Điểm thi HSK, mỗi năm có khoảng 80.000 lượt người tham dự kì thi HSK, số lượng thí sinh dự thi trong hai năm liên tiếp đều đứng thứ 2 trên toàn thế giới. Năm học 2022 – 2023 có 23.570 du học sinh Việt Nam tới Trung Quốc học tập, trong đó có 1.657 người nhận học bổng Chính phủ Trung Quốc, hơn 400 người nhận học bổng Giáo viên tiếng Trung Quốc quốc tế.