Ngày 24/9/2024, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 21 (CAEXPO 2024) đã chính thức khai mạc tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc với chủ đề “Thân thành huệ dung cùng phát triển, vương miện kim cương tạo tương lai – thúc đẩy xây dựng Khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN phiên bản 3.0 và khu vực tăng trưởng chất lượng cao”.
Trao đổi với Đài chúng tôi, Đại diện Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (thuộc Bộ Công thương Việt Nam) cho biết: Năm nay, đoàn Việt Nam tham dự triển lãm với hai nội dung: Gian hàng quốc gia và Khu gian hàng thương mại. Với quy mô diện tích 160m2, gian hàng quốc gia Việt Nam với chủ đề “Thành phố Đẹp” sẽ giới thiệu về tiềm năng thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch của vẻ đẹp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tại khu gian hàng thương mại, 120 doanh nghiệp Việt Nam với gần 200 gian hàng (diện tích khoảng 5000m2) sẽ tập trung trưng bày các sản phẩm thuộc ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, giày dép, gia dụng và may mặc, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm làm từ gỗ…Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô lớn nhất tại Hội chợ chỉ sau nước chủ nhà Trung Quốc.
Tiếp nối thành công từ các năm trước, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam phối hợp với Ban thư ký Hội chợ CAEXPO và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị giao thương tổng hợp mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc”, tổ chức vào sáng ngày 25/9/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế Nam Ninh. Hội nghị có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là đại diện doanh nghiệp hai nước, kết nối giao thương thuộc 6 lĩnh vực: Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; công nghệ chế biến và đóng gói bao bì thực phẩm; kỹ thuật nông nghiệp, máy nông nghiệp, máy công trình; thiết bị điện lực, công nghệ năng lượng & môi trường; hàng điện tử và đồ điện gia dụng; sản phẩm dệt may và hàng tiêu dùng.
Hội chợ thường niên CAEXPO là hoạt động hợp tác đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là nước chủ nhà đăng cai tổ chức. Hội chợ CAEXPO là nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, góp phần xây dựng và phát triển Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Đây cũng là một trong bốn hoạt động có ý nghĩa quan trọng, được Chính phủ Trung Quốc quyết định tổ chức thường niên (cùng Diễn đàn Bắc Ngao, Diễn đàn Davos Thiên Tân và Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Thượng Hải). Năm nay, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc Vụ Viện Đinh Tiết Tường và Lãnh đạo Chính phủ của các nước thành viên ASEAN tham dự Lễ Khai mạc.
Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam đánh giá: Trong những năm qua, Hội chợ CAEXPO đã trở thành sự kiện uy tín, nơi các doanh nghiệp Việt Nam tham dự để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, là điểm đến cho những khởi đầu kinh doanh và đầu tư giữa thị trường hai nước. Việc Việt Nam tham gia thường niên Hội chợ CAEXPO với quy mô và chất lượng ngày được cải thiện sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do Khu vực tự do mậu dịch ASEAN - Trung Quốc đem lại, đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN.
Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Theo số liệu của phía Việt Nam, kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD. Năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nói chung đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tại Quảng Tây, Việt Nam hiện có 140 doanh nghiệp đang đầu tư với số vốn đăng ký đạt trên 186 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng công trình điện lực (26%), dự án giao thông vận tải (24%), dự án xây dựng thông thường (24%), dự án xây dựng công nghiệp (20%) và các dự án khác (6%). Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc là thị trường đầu tiên có kim ngạch hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD.
Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày.
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),... góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.